Bảo vệ Nhà đầu tư và Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo
Các Nhà đầu tư mới tham gia Thị trường thì do Kiến thức, Kinh nghiệm Thị trường hầu như chưa có, họ chưa thể nhận thức thế nào gọi là Cổ phiếu tốt, Cổ phiếu Minh bạch nên rất dễ rơi vào các Cổ phiếu “không chuẩn”. Trong khi đây lại là dòng tiền mới để phát triển Thị trường Chứng khoán trong tương lai. Để đảm bảo Thị trường được ổn định, các nhà làm Luật đã nghĩ ra cần phải có những tiêu chí để lọc ra các cổ phiếu “không chuẩn” này để cảnh báo cho Nhà đầu tư biết trước khi xem xét Đầu tư vào các Cổ phiếu đó.
Phân loại Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo, Bị Kiểm soát, Bị Tạm ngừng giao dịch, …
Hiện tại thì căn cứ vào mức độ từ nhẹ đến nặng của mức độ vi phạm để cảnh báo Nhà đầu tư thì Ủy ban Chứng khoán phân nhóm này ra làm 6 loại:
– Cổ phiếu bị Nhắc nhở Vi phạm trên Toàn thị trường
– Cổ phiếu bị Cảnh báo
– Cổ phiếu bị Kiểm soát
– Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt (Chỉ có ở HOSE, riêng HNX không có loại này)
– Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch
– Cổ phiếu bị Hủy Niêm yết bắt buộc
Lý do vi phạm bị xếp vào Nhóm Cổ phiếu bị Cảnh báo, Bị Kiểm soát, Bị Tạm ngừng Giao dịch, …
– Vi phạm Công bố Thông tin trong nhiều lần: Chậm nộp Báo cáo Tài chính, Chậm nộp Báo cáo Thường niên, Chậm nộp Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông, … . Đây là 1 lỗi khá phổ biến và thường bị nhắc nhở kèm phạt vi phạm. Minh bạch là trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu của Thị trường Chứng khoán
Theo quy định hiện hành thì 3 lần Vi phạm Công bố Thông tin (CBTT) trong 1 năm sẽ bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Nhắc nhở vi phạm trên toàn Thị trường. Nếu 4 lần Vi phạm Công bố Thông tin trong 1 năm thì bị xếp vào nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Riêng trường hợp nếu chậm Nộp Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm hoặc Soát xét Bán niên quá 15 ngày so với Hạn quy định thì cũng bị xếp luôn vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo (Không cần đếm đủ 4 lần Vi phạm). Nếu tiếp tục vi phạm thêm sẽ bị xếp vào nhóm tiếp dần: Cổ phiếu bị Kiểm soát (Với sàn HNX / UPCoM) hoặc Cổ phiếu bị Kiểm soát Đặc biệt (Với sàn HOSE); Cổ phiếu bị Tạm ngừng Giao dịch; Cổ phiếu bị Hủy Niêm yết bắt buộc.
– Vốn điều lệ thực góp giảm xuống dưới mức quy định tối thiểu của sàn: 120 tỷ đồng với sàn HOSE, 30 tỷ đồng với sàn HNX, 10 tỷ đồng với sàn UPCoM. Căn cứ để tính vi phạm là dựa trên Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm hoặc Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên. Nếu trên Báo cáo tài chính gần nhất sẽ bị xếp vào nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Nếu trong Báo cáo Tài chính kỳ kế tiếp (6 tháng) vẫn tiếp tục vi phạm và chưa khắc phục được thì bị xếp vào Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát. Và kỳ kế toán tiếp nữa Báo cáo Tài chính (Tức là sau 1 năm bị xếp vào Cổ phiếu bị Cảnh báo) vẫn tiếp tục vi phạm và chưa khắc phục được thì bị xếp vào Nhóm cuối: Hủy niêm yết bắt buộc.
– Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm là số âm: đây cũng là 1 lỗi khá phổ biến, nếu bị năm 1 thì sẽ xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Nếu năm thứ 2 liên tiếp bị lỗ thì sẽ xếp Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát và đặc biệt là năm thứ 3 liên tiếp bị lỗ sẽ xếp Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc
– Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo Tài chính Kiểm toán Năm là số âm (Tức là Lỗ lũy kế): nếu bị năm 1 thì bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Riêng với sàn HOSE, nếu năm thứ 2 liên tiếp trở lên thì sẽ xếp Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát. Đặc biệt là nếu Lỗ Lũy kế mà lớn hơn Vốn điều lệ thực góp thì xếp luôn vào Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc. Trường hợp Nếu lỗ Lũy kế lớn hơn Vốn điều lệ thực góp nhưng chỉ trong Báo cáo Tài chính Soát xét Bán niên thì vẫn chỉ xếp ở Nhóm: Cổ phiếu bị Kiểm soát.
– Công ty ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh chính: từ 03 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo. Từ 09 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm cao hơn: Cổ phiếu bị Kiểm soát và từ 12 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc.
– Cổ phiếu không có giao dịch trong thời gian dài: từ 06 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm: Cổ phiếu bị Cảnh báo và từ 12 tháng trở lên thì bị xếp vào Nhóm cuối: Cổ phiếu bị Hủy niêm yết bắt buộc.